Từng nhiều năm trực tiếp đứng lớp, bản thân tôi thấy dạy và học trực tuyến mà vẫn hoàn thành được chương trình cả về tiến độ và chất lượng là một thách thức cam go với bất cứ ai.
Một giải pháp tổng thể, khả thi chắc hẳn phải gồm cả 3 hợp phần mà không thể thiếu đi một hợp phần nào được: (i) thay đổi chương trình theo hướng tinh giản, (ii) thay đổi cách dạy ở thày cô, cách học ở học sinh, và (iii) có việc đồng hành cùng ngành Giáo dục của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Nếu chỉ coi màn hình là một sự thay thế cho không gian lớp học truyền thống thì giáo dục trực tuyến sẽ gặp rất nhiều khó khăn như sự gián đoạn đường truyền, hạn chế tương tác, khó quan sát và kiểm soát lớp học, tốc độ triển khai bài học chậm v.v. Chính vì thế, khi kênh giao tiếp đã thay đổi thì buộc phải thay đổi một cách căn bản phương thức tổ chức dạy học để tránh rơi vào tình trạng hình thức, đối phó và không mang lại hiệu quả.
Trên phương thức trực tuyến, chúng tôi thiết nghĩ, việc giao nhiệm vụ học tập phải được chú trọng hàng đầu thay cho lối giảng bài truyền thống. Trước một màn hình im ắng và thường xuyên trục trặc về đường truyền thì việc giảng bài sẽ không thật sự mang lại hiệu quả, chính vì thế giáo viên cần có một kế hoạch cụ thể, dài hạn bằng cách giao đến cho học sinh những chủ đề, chủ điểm, những nhiệm vụ cụ thể đi kèm một lịch làm việc chi tiết để các em thực hiện “ở nhà”, sau đó mới là làm việc với những sản phẩm ấy của học sinh bằng những yêu cầu và tổ chức như trình bày, thảo luận, trao đổi trong buổi học trực tuyến. Cách làm này vừa tiết kiệm được thời gian, vừa phát huy được tính tích cực của người học và tăng sự tương tác đa chiều trên không gian số.
Để thực hiện một phương pháp như thế thì cần song hành với giảm số giờ online để dành thời gian cho học sinh thực hiện nhiệm vụ trong trạng thái offline; khi đã có sản phẩm hoàn chỉnh rồi thì học sinh hoặc nhóm học sinh sẽ chuyển cho giáo viên và các bạn còn lại trong lớp để đọc, đánh giá, và chuẩn bị câu hỏi chất vấn, thảo luận; sau đó mới chính thức “mở lớp” để “làm việc” với nhau về sản phẩm ấy.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho sự tự học có chất lượng tốt thì nhiệm vụ xây dựng kho học liệu trực tuyến cùng việc giới thiệu cung cấp tài liệu và cách thức tìm kiếm, tra cứu tài liệu tham khảo cho học sinh phải được coi trọng hàng đầu. Đây có thể được coi là một nội dung trọng yếu của dạy học online mà người giáo viên phải đầu tư nghiêm túc trong thời buổi công nghệ số và phương thức dạy học tích cực đang trở thành chủ đạo.
Mặt khác, cách làm việc này sẽ tạo được tâm thế chủ động, cởi mở, sôi nổi, và từ đó gây hiệu ứng kích thích tư duy và hứng thú học tập. Sau một thời gian sẽ rèn luyện được cho học sinh nhiều đức tính tốt trong việc tự học, xử lý tư liệu, làm chủ được kiến thức, văn hóa thảo luận và trách nhiệm với công việc.
Mạnh dạn cấu trúc lại bài học trong sách giáo khoa thành các chủ đề chủ điểm để giảm số lượng bài, đồng thời giảm bớt khoảng 50% số giờ online và dành thời gian ấy cho học sinh và giáo viên thực hiện nhiệm vụ học tập trước khi lên lớp.
Đánh giá liên tục trong quá trình dạy học từ việc cho điểm sản phẩm đến cho điểm trình bày, thảo luận. Cách làm này vừa khiến học sinh chăm chỉ một cách tự giác, vừa nâng cao các năng lực cần thiết một cách rõ rệt mà nếu chỉ giảng bài – ghi chép và thuộc lòng thì sẽ rất khó mà hình thành được.
Tóm lại, song hành với trang bị máy tính và phủ sóng internet phải là thay đổi phương thức tổ chức dạy học, lấy lao động của người học làm trọng, lấy việc bảo vệ sản phẩm học tập làm tiêu chí, lấy trao đổi thảo luận làm văn hóa.
Cũng có một lưu ý nhỏ là việc áp dụng cách thức tổ chức dạy học này phù hợp nhiều hơn với lứa tuổi từ THCS trở lên, tuy nhiên vẫn có thể áp dụng được cho học sinh tiều học khi nội dung và cách hướng dẫn phù hợp, hướng đến hoạt động thực tiễn mang tính sáng tạo và thể chất nhiều hơn, tránh ôm đồm kiến thức sách vở.
Nguồn Tạp chí điện tử Viettimes