Từ năm 2018 đến nay, TP Uông Bí có 5 trường triển khai một phần hoặc toàn phần phòng học thông minh, là THCS Nguyễn Trãi, Yên Thanh, Trần Quốc Toản; các trường tiểu học Yên Thanh, Trưng Vương. Với sự hiện đại của hệ thống thiết bị điện tử nối mạng, tính ưu việt của các phần mềm dạy và học, các phòng học thông minh của Uông Bí đã và đang mang lại tính chuyên nghiệp và hiệu quả cho cả người dạy, người học và người quản lý giáo dục.
Tiết học vật lý về quá trình bốc hơi nước của học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Trãi, thay vì tẻ nhạt như thường thấy thì lại rất hào hứng, sôi nổi, sự tương tác giữa cô và trò. Điều đó có được vì tiết học đã được sinh động hóa thông qua hệ thống hình ảnh động, video thuộc chương trình học, từ đó tác động đến sự quan sát, suy nghĩ của học sinh, khiến mỗi học sinh đều có cảm nhận, phân tích, phán đoán riêng. Trong khi đó, nếu như ở các tiết học thông thường thì nội dung bài học về quá trình bốc hơi nước rất khó thể hiện, khó diễn giải bằng lời, chủ yếu buộc học sinh phải hình dung, tưởng tượng, những hình ảnh minh họa cho bài học nếu có cũng chỉ mang tính chính xác tương đối.
Tương tự, đối với học sinh lớp 4, 5, tiết học địa lý về các châu lục hoặc tiết học sinh học về con muỗi anophen vốn khô cứng, khó hiểu cũng trở nên hào hứng. Đó là nhờ phần mềm giáo dục tương tác 3D của Sensavis (soạn bài giảng và dạy học 3D) thông qua hệ thống các thiết bị của phòng học thông minh đã mang lại cho học sinh các thông số rất rõ nét về vị trí, hình dáng, điểm tiếp giáp… của các châu lục; về cấu tạo cơ thể, cơ chế gây bệnh sốt rét của con muỗi anophen. Trong khi đó trước đây, cách để học sinh học các nội dung này chính là quan sát thiết bị thực hành, nhìn hình vẽ trong sách, thậm chí là chỉ đọc lời mô tả để hình dung.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi Bùi Hải Vượng, việc sử dụng các thiết bị nói trên cho phép giáo viên chuyển trực tuyến đến học sinh nội dung bài học, nội dung kiểm tra, các phiếu học tập, các câu hỏi trắc nghiệm…, ngược lại giáo viên nhận từ học sinh các phương án trả lời dưới dạng file word, video, slide powerPoint, sơ đồ phân tích, bản đồ tư duy, bản đồ hình ảnh, bảng tính… Giáo viên cũng có thể chuyển các phương án trả lời đến học sinh trong lớp để kiểm tra chéo nhau. Cán bộ quản lý trường học cũng có thể kiểm tra ngay trên mạng về tiến độ giảng dạy chương trình, kết quả thực hiện tiết giảng của giáo viên.
Riêng đối với học sinh, theo cô giáo Ngô Thu Thảo, Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 4-5, Trường Tiểu học Trưng Vương, với các tiết học trong phòng học thông minh không có thời gian trễ, kể cả là khi giáo viên chuyển ý, giúp các em liền mạch tư duy. Các em cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong việc sử dụng thiết bị công nghệ, có kỹ năng khai thác và chia sẻ thông tin; rèn được khả năng thuyết trình của học sinh.
Từ lợi ích rõ nét, hiện nay nhiều trường học của TP Uông Bí đều mong muốn được ứng dụng phòng học thông minh vào dạy và học, một số trường đã chuẩn bị các điều kiện để có thể tiếp nhận và phát huy các phòng học thông minh khi được trang bị. Tuy nhiên, quá trình này phụ thuộc vào các chương trình hỗ trợ ứng dụng CNTT của ngành giáo dục và hiện đang bị chậm hơn so với lộ trình đề ra. TP Uông Bí trong khả năng của mình cũng đã có kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT vào dạy học tại các trường học, tuy nhiên quy mô hỗ trợ khá nhỏ lẻ. Thời điểm này, TP Uông Bí mới thực hiện được việc hỗ trợ các trường đang triển khai phòng học thông minh về chi phí tiền điện vận hành, sửa chữa nhỏ, bảo dưỡng thiết bị.
Theo baoquangninh.com.vn