Theo tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS, Anh) vừa công bố xếp hạng đại học hàng đầu thế giới năm 2023, trong đó Việt Nam có top 5 trường đại học tốt nhất năm 2023 cũng được vinh danh trong danh sách này.
Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS năm nay bao gồm gần 1.500 trường đại học, học viện từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ các đại học, học viện mang tính biểu tượng mới chiếm vị trí hàng đầu: thứ hạng cao nhất của năm nay bao gồm các trường đại học từ các địa điểm khác nhau trên khắp Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ.
Nội dung chính
Bảng xếp hạng dùng để so sánh các trường trên một loạt các tiêu chí khác nhau : từ danh tiếng học thuật đến số lượng sinh viên quốc tế theo học. Trong bài viết này, Sao Mai sẽ giới thiệu top 5 trường đại học tốt nhất Việt Nam năm 2023:
Trường Đại học Duy Tân
Trường Đại học Duy Tân (Duy Tan University) là một trường đại học tư thục đầu tiên tại miền Trung Việt Nam, được thành lập vào ngày 11/11/1994 theo Quyết định Số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Duy Tân là Đại học Tư thục Đầu tiên và Lớn nhất miền Trung đào tạo đa bậc, đa ngành, đa lĩnh vực.
Hơn 27 năm xây dựng và phát triển, Đại học Duy Tân đã tuyển sinh được 63 nghiên cứu sinh, 3.045 học viên cao học, 109.130 sinh viên đại học cao đẳng, 12.400 học viên trung cấp chuyên nghiệp (dừng tuyển sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp từ 2012 và từ năm 2018 Trường không tuyển sinh hệ cao đẳng). Trường đã cung cấp cho xã hội 77.604 Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư, Kiến trúc sư, Dược sĩ và Cử nhân, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng vào quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Kết quả khảo sát việc làm cho thấy tỷ lệ việc làm của sinh viên sau một năm tốt nghiệp đạt hơn 95%. Điều đó khẳng định, chất lượng đào tạo của nhà trường đã góp phần nâng cao trình độ dân trí và xã hội hóa giáo dục.
Trường Đại học Quốc gia TP.HCM
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Vietnam National University Ho Chi Minh City) là một trong hai hệ thống đại học quốc gia của Việt Nam. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các chương trình giáo dục đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, đa ngành có chất lượng cao và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.
Với tổng diện tích 643,7 hecta theo mô hình đô thị đại học hiện đại, ĐHQG-HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 38 đơn vị, trong đó có 7 trường đại học thành viên (Trường đại học Bách Khoa, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường đại học Quốc Tế, Trường đại học Công nghệ Thông tin, Trường đại học Kinh tế – Luật, Trường đại học An Giang), 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên (Viện Môi trường và Tài nguyên), 2 khoa trực thuộc (Khoa Y, Khoa Chính trị – Hành chính), 1 Phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 27 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ. (nguồn ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN – tên giao dịch bằng tiếng Anh: Vietnam National University, Hanoi; viết tắt là VNU) là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế; đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục đại học tiên tiến.
Đại học Quốc gia Hà Nội chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các chương trình giáo dục đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, đa ngành có chất lượng cao và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.
ĐHQGHN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao; được làm việc trực tiếp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của ĐHQGHN. Các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc ĐHQGHN là những cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ có quyền tự chủ cao, có pháp nhân tương đương các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học khác được quy định trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học và Luật Khoa học và Công nghệ.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Tiền thân của Đại học Tôn Đức Thắng (Ton Duc Thang University: TDTU) là Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập theo Quyết định 787/TTg-QĐ ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trường do Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập và quản lý thông qua Hội đồng quản trị do Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố đương nhiệm làm chủ tịch. Ngày 28/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 18/2003/TTg-QĐ chuyển đổi pháp nhân và đổi tên Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 11/6/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 747/TTg-QĐ đổi tên Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng và chuyển về thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Ngày 29/01/2015, tại Quyết định số 158/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017. Mục tiêu của Đại học Tôn Đức Thắng được xác định rằng: “Đại học Tôn Đức Thắng chủ động huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả nhất các nguồn lực của trường và xã hội để phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành một đại học định hướng nghiên cứu có chất lượng trong khu vực và trên thế giới, đồng thời bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của trường”.
Cơ sở vật chất chính là thế mạnh của TDTU. Hiện tại trường đang có thư viện và hệ thống thông tin trên 500 máy tính. Hệ thống phòng thí nghiệm, xưởng thực hành phục vụ các ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật công trình, Công nghệ hóa, Công nghệ sinh học, Công nghệ máy tính,… đáp ứng tích cực mục tiêu định hướng thực hành trong đào tạo của nhà trường. Các tiện ích gồm: Khu học xá, Tòa nhà sáng tạo, Thư viện truyền cảm hứng, Trung tâm giáo dục quốc tế, Ký túc xá 5 sao, Nhà thi đấu đa năng, Sân vận động đạt chuẩn FIFA 2 sao, Bể bơi, Gần 60 câu lạc bộ, Hệ thống xe buýt,..
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Tên tiếng Anh: Hanoi University of Science and Technology) là trường đại học đa ngành về kỹ thuật được thành lập ngày 15 tháng 10 năm 1956. Trường luôn là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của nền giáo dục Việt Nam.
Khuôn viên Trường có tổng diện tích 26 ha (lớn nhất trong các trường đại học khu vực nội thành Hà Nội), Thư viện điện tử Tạ Quang Bửu với diện tích 37.000 m2, có thể phục vụ đồng thời 2.000 sinh viên với 600.000 cuốn sách, 130.000 đầu sách điện tử. Sinh viên được truy cập miễn phí CSDL từ các nguồn như Science Driect, Scopus… Hệ thống 400 phòng học và phòng thí nghiệm, trong đó có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm và đầu tư tập trung, phục vụ hiệu quả công tác đào tạo và nghiên cứu. Toàn bộ giảng đường được trang bị đầy đủ điều hòa và thiết bị giảng dạy cùng với hệ thống wifi miễn phí trong khuôn viên Trường. Trung tâm ký túc xá khang trang đáp ứng nhu cầu lưu trú của gần 4.500 sinh viên. Khu liên hợp thể thao có diện tích 20.000 m2 với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm: sân bóng, bể bơi, sân tennis tiêu chuẩn quốc gia và nhà thi đấu đa năng tiêu chuẩn Đông Nam Á. Trung tâm Y tế hoạt động theo mô hình phòng khám đa khoa chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho các cán bộ và sinh viên Trường.