Thư viện trong nhà trường Việt Nam đang bị “bỏ trống” khi mà hoạt động đọc chưa thật sự tham gia vào quá trình giáo dục. Đổi mới giáo dục phải đi cùng với việc chấn hưng thư viện.
Do nhiều yếu tố chi phối mà mảng thư viện trong các nhà trường phổ thông của nước ta đang là một khiếm khuyết lớn, lớn tới nỗi khó mà chấp nhận đối một nền giáo dục đã tự đặt ra những yêu cầu rất cao về sự tiến bộ.
Việc đọc sách chưa trở thành một nhu cầu tự thân của sinh viên và học viên trên diện phổ biến. Thư viện nhỏ và sách ít đã đành nhưng ở đây phải đặc biệt nhấn mạnh vào phương pháp đào tạo, vì nó không thúc đẩy nhu cầu đọc. Đó là một sự lạc hậu quá xa và biểu hiện cho tính trì trệ kéo dài.
Cách thiết kế chương trình với quan niệm “chuẩn kiến thức kỹ năng” và tính “pháp lệnh” của sách giáo khoa đã vô tình loại trừ sách vở “ngoại lai” khỏi yêu cầu và nhu cầu của cả người dạy lẫn người học. Khi bản thân vài đầu sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) biên soạn đã tự đầy đủ thì thư viện hoặc không được đầu tư hoặc sẽ tự động bị bỏ phí. Lúc này, mọi hoạt động đọc đều có xu hướng rơi vào miễn cưỡng, hình thức và không đóng vai trò đáng kể trong việc phát triển nhân cách cũng như bồi đắp tri thức cho người học.
Thực trạng hiện nay đó là học sinh không có thời gian đọc sách. Chưa bao giờ học sinh Việt Nam phải học nhiều và học một cách tối tăm mặt mày như bây giờ. Cái sự học ấy có thể gọi bằng một tên khác: “luyện thi”, học lấy thi làm mục đích đã biến sự đào luyện thành một sự đối phó điển hình.
Có những học sinh vì thiên tư ham thích sách vở và đam mê tìm hiểu nên đã nỗ lực thu vén thời gian để đọc. Tuy nhiên, oái oăm thay, thư viện lại không có nhiều thứ hay ho, ở đó sẽ chủ yếu là các loại sách Bộ đề, văn mẫu, để học tốt, cẩm nang v.v. Những sách vở “ngoài luồng” thì thường cũ kỹ, ít tính cập nhật và rất đơn điệu.
Tất cả những lý do trên đã dần giết chết văn hóa đọc trong nhà trường, biến cả người dạy lẫn người học trở thành những thợ dạy và thợ học với kiến thức bị đóng khung và nặng về kỹ năng làm bài hơn là một sự trưởng thành về văn hóa, nhân cách và phát triển tư duy.
Mọi thứ cần phải được bắt đầu, tiếp tục trì hoãn là vô tình đe dọa đến sự thành bại của Đổi mới giáo dục.