Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý 6 nội dung triển khai học kì II năm học 2021-2022

Sáng 18/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các vụ cục thuộc Bộ (điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo) và đại diện lãnh đạo 63 sở Giáo dục và Đào tạo (điểm cầu các địa phương).

Nỗ lực hoàn thành chương trình, kiên trì mục tiêu chất lượng

Báo cáo của địa phương cho thấy, ngành Giáo dục thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm, đồng thuận của cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội. Chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học, bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, sẵn sàng thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông.

Việc triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh kết quả đạt được từ mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại trường qua mạng với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các kỳ tập huấn chuyên đề góp phần nâng cao năng lực tổ chức dạy học thích ứng phòng chống dịch Covid-19.

Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, tập trung dạy học những nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời, khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường; đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đối với các lớp đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, địa phương tiếp tục chỉ đạo nhà trường thực hiện đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá học sinh. Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Thực hiện rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt là đối với các môn học bắt buộc theo hướng tinh giản những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng lớp. Tinh giản những nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn học; tích hợp một số nội dung trong cùng môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.

Đến nay cơ bản các địa phương đã hoàn thành chương trình học kỳ I và triển khai thực hiện chương trình học kỳ II theo đúng kế hoạch, thời gian năm học.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những khó khăn, hạn chế. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động dạy học, giai đoạn đầu năm học, nhiều học sinh phải học trực tuyến để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, nhiều địa phương đã đón học sinh trở lại trường học tập nhưng chưa được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, còn thừa thiếu cục bộ. Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường…

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 giữa bối cảnh trong nước và thế giới chịu tác động của dịch Covid-19 lên mọi mặt đời sống xã hội đã tác động không nhỏ đến quá trình giáo dục tại các địa phương, dẫn đến việc biên soạn, lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn, in ấn, phát hành, sử dụng sách giáo khoa và trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương gặp những trở ngại nhất định.

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông diễn ra theo hình thức trực tuyến.

6 nội dung quan trọng cần lưu ý

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận trong học kì I năm học 2021-2022, các địa phương đã khắc phục khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, linh hoạt, sáng tạo và chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành chương trình và kiên trì mục tiêu chất lượng.

Để chuẩn bị tốt cho học kì II, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung vào 6 nội dung quan trọng, liên quan đến: bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong trường học; triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất; công tác thanh tra, kiểm tra; và công tác quản lý giáo dục.

Nhấn mạnh trước hết đến an toàn phòng chống dịch, Thứ trưởng lưu ý không chủ quan, lơ là nhưng cũng không quá hoang mang, căng thẳng. Các nhà trường nỗ lực vận động học sinh ra lớp, cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến chứ không có trường học trực tuyến; nhưng phải bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

Về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng cho rằng, triển khai chương trình mới trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện dịch bệnh lại càng khó khăn, nên rất cần sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của các nhà trường, địa phương. Nhắc lại những điểm mới của chương trình 2018, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý từng cơ sở giáo dục phải xây dựng được kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn; phải xây dựng phân phối chương trình và xếp thời khóa biểu không quy định “cứng” trong cả học kì mà linh động theo từng tuần, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và phù hợp với thực tiễn.

Một số nội dung khác xung quanh chương trình mới cũng được Thứ trưởng nhấn mạnh, liên quan đến triển khai nội dung giáo dục địa phương; thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá; lựa chọn sách giáo khoa; tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên dạy sách giáo khoa mới; chuẩn bị nghiêm túc, kĩ lưỡng cho triển khai chương trình mới với lớp 3, lớp 7, lớp 10 từ năm học 2022-2023. Trong đó cần quan tâm đến triển khai môn Tin học, Ngoại ngữ ở tiểu học, khi hai môn học này trở thành môn học bắt buộc; dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội ở lớp 6 và lớp 7 từ năm học 2022-2023.

Đặc biệt, với chương trình mới ở lớp 10, ngoài các môn học bắt buộc còn có các môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2) và các môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Với những điểm mới này, cần chuẩn bị từ sớm mới có thể triển khai hiệu quả. Các nhà trường cần công bố phương án tổ chức dạy học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế để công bố cho thí sinh trước khi tuyển sinh.

Vấn đề thứ 3 được Thứ trưởng yêu cầu địa phương quan tâm liên quan đến đội ngũ giáo viên, nhấn mạnh đến nội dung bồi dưỡng, đào tạo và tạo động lực cho đội ngũ. Theo đó, cần tập trung bồi dưỡng đại trà để không xảy ra trường hợp giáo viên chưa được bồi dưỡng đứng lớp. Quan tâm tới việc đào tạo, tổ chức các lớp để giáo viên có điều kiện được nâng chuẩn. Thầy cô cũng rất cần một môi trường làm việc năng động, sáng tạo, thân thiện, tạo được động lực để có thể làm việc hiệu quả nhất.

Về cơ sở vật chất, Thứ trưởng đề nghị địa phương dựa trên văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp; không được để thiết bị về trường nhưng không ra lớp. Tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Thực hiện phân bổ ngân sách cho giáo dục đúng theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022: dành 81% nguồn nhân sách phân bổ cho giáo dục để chi lương và các khoản theo lương; 19% là chi khác.

Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường đổi mới quản lý theo công việc, tạo môi trường làm việc kỉ cương, trách nhiệm, sáng tạo.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Theo dõi
Thông báo về
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
HotlineChat zalo
/*Giá biến thể woo*/