Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư số 02, 03/2021/TT-BGDĐT bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Thu Đông (Bình Thuận), sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, việc bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương của giáo viên còn một số bất cập khiến nhiều giáo viên có năng lực tốt, thâm niên lâu hơn, cùng bằng cấp nhưng lại chịu thiệt thòi hơn.
Cũng là giáo viên (đối với môn chuyên, cụ thể là môn thể dục), học cùng lớp đại học mà giáo viên dạy THCS không yêu cầu chức danh nghề nghiệp hạng III, nhưng giáo viên dạy tiểu học phải học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng III mới được xét bổ nhiệm chức danh giáo viên tiểu học hạng III mới.
Trong Thông tư không yêu cầu giáo viên tiểu học hạng IV cũ học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mà chỉ yêu cầu giáo viên tiểu học hạng III cũ học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng III để xét chuyển hạng.
Đối với những trường hợp giáo viên hợp đồng, cũng là từ trung cấp, cao đẳng học nâng chuẩn đại học sau này (trường hợp ra trường sau, học đại học cũng sau, là giáo viên hợp đồng nhưng thi trượt biên chế, đến tháng 3/2021 được đặc cách xét vào biên chế hưởng lương đại học) thì quyết định ghi rõ giáo viên tiểu học hạng II.
Vì vậy khi các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ra đời thì những giáo viên thuộc trường hợp này có người hưởng lương hệ số 2,67 nhưng học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng II và được xét qua giáo viên tiểu học hạng II mới, hưởng lương hệ số 4,0. Trong khi những giáo viên tương tự mà nếu thi đậu biên chế thì đến nay vẫn không được hưởng lương đại học. Đó là một bất cập lớn so với những thầy cô giáo có năng lực tốt hơn, có thâm niên lâu hơn (20 năm trong nghề – một trong những điều kiện để về hưu), cũng bằng cấp như nhau mà hệ số lương lại thấp hơn. Bà Đông đề nghị cơ quan chức năng xem xét nguyện vọng của một bộ phận lớn giáo viên hiện nay.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Quy định giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng tại các Thông tư số 02, 03/2021/TT-BGDĐT là thực hiện theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 26 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Trước đây, tại các Thông tư liên tịch số 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (đã được thay thế bởi các Thông tư số 02, 03/2021/TT-BGDĐT) không yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên ở hạng thấp nhất (bao gồm giáo viên tiểu học hạng IV, giáo viên THCS hạng III).
Vì vậy, tại các Thông tư số 02, 03/2021/TT-BGDĐT không yêu cầu giáo viên tiểu học hạng IV cũ và giáo viên THCS hạng III cũ phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khi bổ nhiệm hạng III mới.
Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành như sau: Mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần.
Do đó, hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư số 02, 03/2021/TT-BGDĐT bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
Theo quy định tại Luật Viên chức và văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc: Người được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó; người trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng viên chức sau khi hết thời gian tập sự theo quy định sẽ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển; để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề thì phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại các trường hợp mà địa phương căn cứ vào trình độ đào tạo đã bổ nhiệm vào hạng cao hơn hạng được tuyển dụng để báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh có phương án giải quyết theo đúng quy định.
Theo Báo Điện tử Chính Phủ