Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai thí điểm mô hình phòng học thông minh tại một số trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa như, Trường THPT Hàm Rồng, THPT Dân tộc nội trú tỉnh; THCS Trần Mai Ninh, THCS Điện Biên… Việc thí điểm mô hình bước đầu phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong hoạt động dạy và học ở các nhà trường.
Phòng học thông minh giúp cho việc học tập hiệu quả như thế nào?
Phòng học thông minh thí điểm tại các trường học nói trên được chia làm 2 cấp độ, trong đó phòng học cấp độ 2 được đầu tư những thiết bị như: máy vi tính, bảng tương tác công nghệ cao, hệ thống camera tracking, hệ thống âm thanh, bục giảng thông minh, bàn ghế di động… trong đó chú trọng đến khả năng truyền phát âm thanh, hình ảnh, video giúp cho giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau một cách dễ dàng và đạt hiệu quả nhất. Ngoài ra, phòng học còn được tích hợp các phần mềm giảng dạy điện tử giúp giáo viên có thể chuyển tải kiến thức cho học sinh nhanh chóng nhất. Học sinh cũng có thể tương tác với giáo viên và tương tác với nhau thông qua các thiết bị và hệ thống bài học, dữ liệu được kết nối mạng. Đối với phòng học thông minh cấp độ 1 trang bị thêm cho mỗi học sinh 1 bộ máy vi tính nối mạng LAN cùng màn hình tương tác và các thiết bị multimedia phục vụ dạy học, tương tác giáo viên – học sinh, học sinh – học sinh.
> Xem thêm phần mềm giảng dạy ngôn ngữ Smartclass+: Click để xem
Năm học mới 2020-2021, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hoá) đánh dấu một sự kiện quan trọng bằng việc đưa vào sử dụng 6 phòng học thông minh cấp độ 2 và 1 phòng cấp độ 1. Đến nay, sau gần 4 tháng đưa vào sử dụng cả giáo viên và học sinh đều có chung phản hồi tích cực. Cô giáo Lê Thị Khánh, giáo viên giảng dạy môn Toán, Trường THCS Điện Biên cho hay: “Chúng tôi rất hài lòng với trang thiết bị đầu tư cho phòng học thông minh. Các trang thiết bị giúp bài giảng của giáo viên trở nên sinh động và học sinh hứng thú hơn trong từng tiết học”. Cũng theo cô Khánh, một trong những lợi ích của phòng học thông minh mang lại đó là sự tương tác giữa cô và trò, tăng khả năng tư duy, kỹ năng làm việc nhóm của học sinh. Riêng đối với môn Toán, những thiết bị trong phòng học, đặc biệt là bảng tương tác thông minh đã bổ trợ rất nhiều cho giáo viên trong quá trình giảng dạy, nhất là dạy phần hình học.
Trước đây, với đa số học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, giờ học bộ môn Lịch sử là những giờ học khô khan, khó nhớ, nhưng từ khi được học tại phòng học thông minh với trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, môn học này trở nên sinh động, dễ hiểu hơn. Em Lê Thị Trúc, học sinh lớp 10B, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ: “Việc áp dụng những thiết bị thông minh giúp em và các bạn dễ dàng tương tác với thầy, cô thông qua hình ảnh trực quan. Cũng thông qua hình ảnh trực quan chúng em được tiếp cận với sự kiện, nhân vật lịch sử cụ thể để hiểu rõ vấn đề hơn, giờ học không còn nhàm chán. Cùng với đó, việc sử dụng thường xuyên các thiết bị thông minh còn giúp em cũng như các bạn nâng cao kỹ năng môn Tin học”.
> Xem thêm màn hình tương tác Inno: Click để xem
Theo thầy giáo Hà Duyên Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, phòng học thông minh đã thổi một luồng gió mới cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập của cả giáo viên và học sinh, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục. Đánh giá từ những bài giảng đầu tiên cho thấy, khi giảng dạy tại phòng học thông minh, mỗi giáo viên phải chuẩn bị chu đáo bài giảng của mình với nhiều ngữ liệu học tập phong phú. Giáo viên không chỉ tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mà còn khuyến khích học sinh hứng thú học tập, tiếp thu bài giảng nhanh với những hình ảnh minh hoạ sinh động, thiết thực. Học sinh phát huy được khả năng tự học, tự nghiên cứu và khả năng thuyết trình. Dù mới đưa vào sử dụng nhưng phải thấy rằng, mô hình này thực sự có hiệu quả. Hiện nay, với 6 phòng học cấp độ 2 và 1 phòng cấp độ 1 chưa thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập ở tất cả các lớp trong trường. Vì vậy, chúng tôi mong rằng mô hình này sẽ được nhân rộng và đầu tư thêm.
Đánh giá bước đầu triển khai thí điểm mô hình phòng học thông minh của Sở GD&ĐT cho thấy, cả 8 tiêu chí, gồm: Học sinh hứng thú hơn với tiết học; thuận lợi hơn cho học sinh rèn luyện các kỹ năng, kỹ xảo, kỹ năng thuyết trình; tiết kiệm thời gian cho giáo viên; bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn; phương pháp giảng dạy của giáo viên linh hoạt hơn; thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, đánh giá trực tiếp; học tập nhóm có hiệu quả cao hơn và tiêu chí thiết bị công nghệ thông tin dễ sử dụng, khả thi đều đạt. Đặc biệt, các bài giảng của giáo viên đã khai thác có hiệu quả hình ảnh, video phục vụ trực tiếp cho bài học, nhất là các thí nghiệm ảo. Đồng thời, sử dụng được nhiều phương pháp dạy học tích cực do các thiết bị thông minh mang lại, như: phương pháp làm việc cá nhân, phương pháp làm việc nhóm, thuyết giảng kết hợp với trải nghiệm thực tế gián tiếp do công nghệ mang lại…
Có thể thấy, việc dạy và học theo cách tiếp cận mới mà phòng học thông minh mang lại đã và đang giúp cho giáo viên và học sinh thoát khỏi cách dạy chay, học chay truyền thống và kích thích học sinh tính tò mò, say mê khám phá trong học tập. Điều này cũng đồng nghĩa, mô hình này là một trong những giải pháp mạnh cần được tiếp tục phát huy để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.