Lương giáo viên, bài toán chưa có lời giải

Chi trả thu nhập xứng đáng cho giáo viên là bài toán chưa được giải quyết dứt điểm. Đây là trăn trở không chỉ của giáo viên, mà còn là niềm trắc ẩn của nhiều người trong và ngoài ngành Giáo dục.

Vấn đề tiền lương và thu nhập của giáo viên từng là chủ đề “nóng” được thảo luận sôi nổi tại nhiều diễn đàn, hội thảo và các phiên làm việc tại nghị trường Quốc hội. Ai cũng mong muốn đời sống của thầy, cô giáo được cải thiện. Nhớ lại, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nghị quyết được ban hành trở thành niềm hy vọng cho giáo viên khắp cả nước.

Ai cũng hiểu, lao động của nhà giáo có tính chất đặc thù. Xưa nay, nhiều người thường nhìn nhận công việc của giáo viên chủ yếu là dạy học trên lớp. Thế nhưng, lao động của nhà giáo diễn ra không chỉ ở trên trường, lớp. Cụ thể, muốn có bài giảng (dù là trực tiếp hay trực tuyến), giáo viên phải soạn bài, cập nhật kiến thức.

Ngoài ra, họ còn phải chấm bài, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng và hoạt động của nhà trường. Nếu làm chủ nhiệm, giáo viên còn phải thực hiện nhiều việc khác. Vì thế, việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, sau nhiều năm quy định trên chưa thành hiện thực và vẫn là niềm mong mỏi của nhà giáo. Những trăn trở của giáo viên về lương, cùng các văn bản hướng dẫn khiến nhiều thầy cô hy vọng, nhưng đến nay câu hỏi bao giờ “giáo viên sống được bằng lương” vẫn đang để ngỏ, rất cần một lời giải đáp thỏa đáng. Có thể nhiều người đặt vấn đề, trong mặt bằng chung về tiền lương, phụ cấp hàng tháng, thu nhập của giáo viên cũng không phải là thấp nhất so với đội ngũ công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, vì ít nhiều giáo viên cũng có thêm phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên.

Nhưng, thực tế cho thấy, phần lớn giáo viên trên cả nước, nhất là những giáo viên trẻ đang sống vất vả với đồng lương hàng tháng của mình, nếu không làm thêm, không có nghề tay trái hoặc có chồng/vợ làm ở ngành nghề khác, cuộc sống của nhiều thầy cô sẽ chật vật. Đơn cử như, lương giáo viên có bằng cử nhân sư phạm mới ra trường, hưởng lương bậc 1, hệ số 2,34, thu nhập chưa đạt 4 triệu đồng. Thậm chí, người có thâm niên 15 năm công tác được hưởng lương bậc 5, thu nhập hàng tháng khoảng trên dưới 7 triệu đồng.

Tất nhiên, nếu nói giáo viên vẫn đang sống bằng lương của mình thì cũng đúng, nhưng rõ ràng, nhiều thầy cô đang sống khá chật vật, nhất là khi các con càng lớn, chi phí phát sinh càng nhiều. Vì thế mới có chuyện, nhiều giáo viên “chân ngoài dài hơn chân trong” hoặc tìm cách dạy thêm để tăng gia thu nhập, cải thiện đời sống.

Mong muốn của giáo viên có cuộc sống “ấm no, ổn định” là chính đáng, bởi “có thực mới vực được đạo”. Mong rằng, trong thời tới, tâm nguyện của nhà giáo sớm thành hiện thực.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Theo dõi
Thông báo về
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
HotlineChat zalo
/*Giá biến thể woo*/