Kiểm tra trực tuyến nếu không có cơ chế quản lý, giám sát sẽ dẫn đến kết quả ảo, thách thức việc dạy thật, học thật mà toàn ngành đang chung tay xây dựng.
Hiện nay đang trong giai đoạn các địa phương tổ chức ôn tập và kiểm tra cuối kỳ I ở tất cả các cấp học, bậc học để đánh giá kết quả sau một học kỳ thầy trò dạy và học trực tuyến, trực tiếp.
Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến còn phức tạp nhiều trường học trong cả nước sẽ tiến hành kiểm tra cuối kỳ I bằng trực tuyến.
Trong quá trình dạy trực tuyến, giáo viên và học sinh gặp nhiều tình huống, sự cố trong quá trình học tập,… có thể học sinh chưa nắm bài, bị thoát ra trong quá trình học,… nhưng điều đó có thể khắc phục bằng việc giáo viên giảng dạy sau, tương tác qua phương tiện khác hay học sinh tự học thông qua internet, video, tivi,…
Tuy nhiên, kiểm tra trực tuyến nếu không có cơ chế quản lý, giám sát sẽ dẫn đến kết quả ảo, thách thức việc dạy thật, học thật mà toàn ngành đang chung tay xây dựng.
Việc kiểm tra trực tuyến sẽ diễn ra như thế nào?
Đối với các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ nếu kiểm tra bằng hình thức trực tuyến sẽ có nhiều cách thực hiện trên phần mềm LMS.Smart E-learning hay các phần mềm Azota, Google Form, K12online,…
Nhìn chung, đa số các kỳ kiểm tra cuối kỳ trực tuyến ở các trường được thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm để giảm áp lực và đơn giản, chỉ có 1 vài môn kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm như môn Ngữ văn, kết hợp phần nghe như môn Ngoại ngữ,…
Kiểm tra trực tuyến được linh hoạt thời gian, có thể cho học sinh vắng do sự cố mạng, cúp điện,… được thực hiện lại một cách dễ dàng.
Đối với bài thi môn trắc nghiệm, gần như máy sẽ tự chấm điểm và cập nhật lên hệ thống thi và khảo thí trực tuyến Smart E-learning do Sao Mai Education Group xây dựng và phát triển.
Sau khi học sinh kiểm tra xong giáo viên chỉ cần vào hệ thống Smart E-learning và cập nhật điểm từ hệ thống e-learning một cách đơn giản, tiết kiệm thời gian.
Việc kiểm tra trực tuyến là một trong những cách để tiết kiệm thời gian làm bài, chấm bài, thời gian kiểm tra linh hoạt, học sinh khó quay cóp do có nhiều mã đề được trộn từ các phần mềm miễn phí rất tốt,…
Cũng không kém quan trọng là giáo viên và học sinh không phải đến trường, hạn chế tiếp xúc,… góp phần phòng chống dịch bệnh.
Có thể nói hình thức kiểm tra trực tuyến đã thực hiện trong thời gian gần đây đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ngành công nghệ hỗ trợ kịp thời giúp đánh giá người học, tạo điều kiện hỗ trợ ngành giáo dục hoàn thành mục tiêu giáo dục.
Muôn vàn hình thức gian lận kiểm tra trực tuyến
Tuy nhiên việc dạy trực tuyến, kiểm tra trực tuyến thì lại gặp rất nhiều trường hợp học sinh gian lận, dẫn đến kết quả học tập thiếu công bằng, gây thách thức lớn đến việc xây dựng việc học thật, thi thật, nhân tài thật mà toàn ngành xây dựng.
Khi kiểm tra trực tuyến thì giáo viên và quản trị mạng nhà trường cung cấp cho học sinh mã vòng thi và mật khẩu đăng nhập để thực hiện bài làm trực tuyến.
Tuy nhiên, do khó có thể kiểm tra được học sinh thực hiện bài kiểm tra nên có thể điểm qua các trường hợp gian lận khi kiểm tra trực tuyến như:
Phổ biến nhất là học sinh sử dụng tài liệu khi tham gia kiểm tra trực tuyến, tuy giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài, học bài nhưng đa số học sinh không ai kiểm tra nên học sinh sẽ sử dụng tài liệu làm mất đi ý nghĩa kiểm tra trực tuyến;
Cách thứ hai là có phụ huynh, người thân có kiến thức ở bên cạnh và “giúp đỡ” học sinh thực hiện bài làm, làm giúp học sinh,… khiến kết quả cao nhưng học sinh không biết, nắm kiến thức.
Cách gian lận thứ ba là thông dụng đối với sinh viên và học sinh bậc trung học phổ thông là làm bài kiểm tra hộ, thi hộ.
Học sinh, sinh viên chỉ cần gửi mã vòng thi, mật khẩu là người khác hoàn toàn có thể vào làm bài kiểm tra mà không thể phát hiện được.
Đây là kiểu thông dụng nhất, trên các diễn đàn có nhiều hội, nhóm lập ra với mục đích làm bài kiểm tra hộ và đương nhiên họ sẽ nhận được phí làm bài hộ tùy theo dạng bài kiểm tra, thi.
Cuối cùng kiểu gian lận cũng thông dụng là dùng các tiện ích (app) giải bài tập kiểm tra trực tuyến, sử dụng thành tựu của trí tuệ nhân tạo nên có thể giải nhiều bài tập ra kết quả nhanh chóng, chính xác (nhất là những bài đã xuất hiện trên internet).
Trên đây là những hình thức có thể coi là gian lận trong quá trình làm bài kiểm tra trực tuyến mà học sinh, phụ huynh thường áp dụng khiến cho kỳ thi khó có chất lượng thật, nhiều em học sinh học thì không đầy đủ, không chép bài nhưng điểm vẫn cao, khó có thể công bằng.
Làm sao để kiểm tra trực tuyến bớt gian lận?
Có thể nói trong năm nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, toàn ngành giáo dục đã làm được điều được nhân dân vô cùng hoan nghênh đó là thực hiện được phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học.
Áp lực thầy và trò trong thời gian qua không phải là nhỏ, kiểm tra, thi một cách nhẹ nhàng, giảm hình thức cũng là cách nên làm.
Tuy nhiên, không vì thế mà có thể cho các hình thức gian lận như trên phát triển. Một trong những cách mà người viết cho rằng cần phải thực hiện là quản trị, giám sát thi, kiểm tra để bớt gian lận bằng các biện pháp sau đây:
Tổ chức thi trực tuyến như trực tiếp, chia phòng thi giống như kiểm tra trực tiếp, phân công giáo viên coi thi. Trong quá trình kiểm tra trực tuyến thì học sinh phải bật camera (webcam), học sinh nếu vì lý do gì đó rời khỏi phòng thi thì phải được giám thị đồng ý, giám sát. Học sinh nếu không có camera thì có thể cho học sinh đến trường thực hiện tại trường bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Điều này tránh được việc kiểm tra hộ, thi hộ nhưng việc này cũng khó quản lý được việc học sinh sử dụng tài liệu, app giải bài tập trực tuyến.
Để khắc phục điều trên thì còn phải nâng cao năng lực ra đề của giáo viên, giáo viên ra đề phải đảm bảo gắn với thực tế lớp học, hạn chế trùng với nội dung đã ôn tập, trùng các câu hỏi trên mạng để hạn chế học sinh sử dụng tài liệu và app giải bài tập trực tuyến.
Mặc dù, học sinh học trực tuyến trong thời gian dài cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của giáo viên và học sinh, học sinh tiếp thu bài có hạn chế nhưng không quản lý hoặc im lặng, đồng tình với gian lận là không thể chấp nhận được.
Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả thì việc học, kiểm tra và kết quả học trở nên vô nghĩa, không công bằng giữa người học, không khuyến khích học sinh cố gắng học.
Nếu áp dụng linh hoạt những giải pháp trên, người viết cho rằng sẽ hạn chế được rất lớn gian lận trong quá trình học tập, thi cử.
Năm học này, kết quả học tập có thể thấp nhưng đó phải là kết quả thật của học sinh, không vì dạy, thi trực tuyến mà khuyến khích học giả, gian lận trong khi toàn ngành đang nỗ lực dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo với ngành Giáo dục.
Nguồn Báo Giáo dục Việt Nam