Với mục tiêu xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng, phát triển đồng bộ, những năm qua, huyện Đại Từ đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học.
Cô giáo Lê Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Tiên Hội, cho biết: Nhiều năm nay, số học sinh của Nhà trường luôn duy trì ổn định ở mức trên 300 em. Trong khi đó, trước đây, Trường chỉ có một dãy nhà cấp bốn gồm 6 phòng học và một dãy nhà 2 tầng 10 phòng học. Do vậy, chúng tôi không có điều kiện để bố trí phòng chức năng, phòng học bộ môn riêng biệt hay phòng thí nghiệm… Từ năm 2019 đến nay, Nhà trường đã được quan tâm đầu tư hai dãy nhà 2 tầng với 18 phòng học để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Phấn khởi hơn nữa là trong năm nay, chúng tôi tiếp tục được huyện đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo khuôn viên, sân trường…
Ngoài Trường THCS Tiên Hội, nhiều trường học khác trên địa bàn huyện Đại Từ cũng được đầu tư sửa chữa và xây mới các công trình trường, lớp học nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động giáo dục.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2020-2021, Đại Từ đã đầu tư cơ sở vật chất cho 56 đơn vị, với tổng kinh phí trên 44 tỷ đồng; mua sắm bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng dạy học với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Năm 2022, ngành Giáo dục địa phương tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đầu tư sửa chữa 15 công trình, với kinh phí gần 12 tỷ đồng và mua sắm thiết bị dạy học với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ, thông tin: Hằng năm, chúng tôi tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng cơ sở vật chất ở từng trường học, dự báo về biến động học sinh, gia tăng quy mô trường lớp. Trên cơ sở đó, Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện đầu tư sửa chữa và xây dựng mới những hạng mục đã bị xuống cấp, hư hỏng hoặc còn thiếu. Đồng thời, bổ sung, mua sắm trang, thiết bị dạy học cho các trường. Qua đó, đảm bảo điều kiện dạy và học đồng đều giữa các vùng miền, phát triển giáo dục đồng bộ trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục hiện hành.
Cuối năm 2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ còn tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, với tổng kinh phí gần 210 tỷ đồng. Trong đó, lên kế hoạch xây dựng, sửa chữa, quy hoạch mặt bằng các trường học với kinh phí gần 180 tỷ đồng, mua sắm thiết bị là 30 tỷ đồng.
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, huyện Đại Từ cũng tích cực triển khai công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất trường học. Riêng giai đoạn 2016-2021, huyện đã huy động được trên 40 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để đầu tư sửa chữa, xây dựng mới trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị.
Thầy giáo Lê Tuấn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ký Phú, cho hay: Những năm gần đây, do số lượng học sinh đông, gia tăng nhanh, Nhà trường liên tục bị thiếu phòng học. Tháng 8-2021, Trường được Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tài trợ 6 tỷ đồng xây dựng nhà lớp học 2 tầng 10 phòng học và được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ công tác dạy và học như: Hệ thống quạt, bóng điện, bàn ghế, bảng từ… Sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ nhà tài trợ đã giúp Nhà trường hoàn thiện cơ sở vật chất giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em địa phương.
Nhờ thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, cùng với những nỗ lực trong nâng cao chất lượng dạy và học, từ năm 2019, 100% các trường trên địa bàn huyện Đại Từ đã đạt chuẩn Quốc Gia. Do thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập một số trường tiểu học và THCS thành trường liên cấp tiểu học – THCS, hiện toàn huyện có 91/93 trường chuẩn Quốc gia, song các trường này đều đã được đưa vào kế hoạch phấn đấu “cập” chuẩn trong năm 2022, đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Theo Báo Thái Nguyên