TP. HCM phấn đấu trở thành thành phố thông minh. Giáo dục thông minh chắc chắn là vấn đề trọng điểm mà thành phố hướng đến và cần phải đạt đến. Giáo dục thông minh đã và đang trở thành vấn đề mà nhiều trường học và cơ sở giáo dục quan tâm.
Có thể khẳng định, khi thế giới công nghệ trở thành bối cảnh của toàn cầu, trí tuệ nhân tạo và sự thông minh khẳng định sức mạnh đặc biệt của mình và chi phối hàng loạt những vấn đề của thế giới, thì giáo dục không thể đứng ngoài cuộc. Bối cảnh buộc giáo dục phải dựa trên nền tảng mới để xây dựng giáo dục thông minh. Cũng chính giáo dục thông minh mới góp phần đào tạo ra những thế hệ thông minh từ yêu cầu của bối cảnh hôm nay và cả mai sau.
Giáo dục thông minh (smart education) là thuật ngữ mô tả việc học tập trong thời đại kĩ thuật số. Mục tiêu của giáo dục thông minh là “nuôi dưỡng” những “người học thông minh” để đáp ứng nhu cầu công việc và cuộc sống ở thế kỉ 21. Cocoli M (2014) định nghĩa giáo dục thông minh là “giáo dục trong một môi trường thông minh được hỗ trợ bởi công nghệ thông minh, sử dụng các công cụ và thiết bị thông minh”.
Zhiting Zhu và cộng sự (2016) đề xuất khung lý thuyết giáo dục thông minh (smart education framework) với 3 thành phần: Hướng dẫn của người dạy (teaching presence), tương tác của người học (learner presence) và công nghệ hỗ trợ (technological presence). Thành phần công nghệ là các nền tảng/hệ thống, phương tiện, công cụ thiết bị kĩ thuật số, tài nguyên số, học liệu điện tử… đáp ứng triển khai giáo dục thông minh một cách thông minh. Có thể phân tích 3 thành phần như sau: Người dạy (teaching presence): Thiết kế dạy học (instructional design); Cố vấn, tạo điều kiện và hướng dẫn trực tiếp; Hỗ trợ công nghệ kịp thời, đúng lúc. Người học (learner presence): Tự chủ học tập (autonomous learner); Cộng tác trong hoạt động học tập; Sử dụng công nghệ hiệu quả. Công nghệ (technological presence): Hỗ trợ kết nối thuận tiện (connective), Sự phổ cập, đa dạng (ubiquitous); Cá nhân hóa trong học tập (personalized).
Như vậy, giáo dục thông minh cần có SCi: Người dạy và người học thông minh; STi: Dạy học thông minh; SLi: Học thông minh qua các thiết bị thông minh; SAi: Đánh giá thông minh dựa trên hệ thống nền tảng thông minh… Mô hình giáo dục thông minh được hiểu là sự tích hợp toàn diện công nghệ, khả năng tiếp cận và kết nối mọi thứ qua Internet bất cứ lúc nào và ở đâu để học tập đa dạng, tạo ra sự phát triển tối đa. Và dù thế nào đi chăng nữa, giáo dục thông minh vẫn phải cần những người thầy thông minh. Nói đến người thầy thông minh không thể chỉ là chú ý đến chỉ số IQ hay kiến thức hàn lâm, uyên bác mà phải là sự thông minh đúng nghĩa. Thông minh về nhận thức, thông minh về cảm xúc, thông minh về sự sáng tạo, thích ứng… Những biểu hiện đáng buồn của một số hình ảnh “bị lộ hàng”, sơ xuất trong lời ăn – tiếng nói hay cung cách ứng xử chưa phù hợp trên lớp học trực tuyến cho thấy chỉ cần thiếu sự bình tĩnh, chủ quan và cảm tính sẽ để lại những hệ quả đáng tiếc.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục cần hướng đến 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình, ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh, sinh viên trước khi đến lớp học. Để đạt được mục tiêu này, ngành giáo dục cần phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hoá tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hoá. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục sẽ thuận lợi hơn khi Việt Nam đạt được một số mục tiêu cơ bản khác như: Phát triển Chính phủ số với 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; Phát triển kinh tế số chiếm 30% GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số thông qua phổ cập dịch vụ mạng Internet băng thông rộng, mạng di động 5G và điện thoại di động thông minh, trên 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử. Điều này cho thấy việc thích nghi với bối cảnh mới không chỉ là điều kiện bất thường về dịch bệnh mà ngay cả điều kiện bình thường cũng cần làm chủ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục. Điều đó cho thấy, tâm tuệ của người thầy mãi mãi là yếu tố căn cơ để tương tác trong dạy học và giáo dục…
Không thể nói là trực tuyến để quên đi những gì căn bản nhất của tâm hồn người sư phạm, phong cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính chuẩn mực của người thầy; gián tiếp và ngăn cách bởi máy tính, đường truyền nhưng không thể quên cung cách cư xử và sự thân thiện, tinh tế trong ứng xử; không mặt đối mặt nhưng không vì thế quên đi hình ảnh của mình hay những gì thuộc về lối sống, ngay từ những điều giản đơn từ khung cảnh đến màn hình nền máy tính… Tâm hồn của người thầy còn không thể vô tư với những khó khăn của người học, không thể giản đơn hóa với cảm xúc hay những hậu sang chấn của học sinh, sinh viên không may mắn, yếu thế vẫn cố gắng đến trường, đến lớp… Tuệ đòi hỏi thầy cô khi làm chủ máy tính phải có khả năng, nhất là bản lĩnh. Không chỉ là kỹ thuật, thao tác mà phải không ngừng cập nhật phần mềm, không quản khó để mạnh dạn với sự đổi thay của thế giới công nghệ; không ngừng cập nhật và “nâng cấp” tư duy của mình và cả những kỹ năng có liên quan để buộc máy tính và công nghệ phục vụ cho nghề nghiệp…
GS. TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP. HCM)