Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai đã xây dựng Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua về chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT Lào Cai giai đoạn 2022-2025. Theo đó, 5 mục tiêu đáng chú ý được đặt ra.
Trước tiên, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ các cơ sở giáo dục.
Về quản trị nhà trường: 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó 100% học sinh, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh duy nhất, thống nhất trong toàn tỉnh và liên thông với hệ thống quản lý của Bộ GD&ĐT.
100% cơ sở giáo dục có nền tảng và hệ thống lưu trữ dữ liệu riêng và liên thông với Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT. 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục được quản lý bằng hồ sơ số.
Về quản lý giáo dục: Hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục được thiết lập và vận hành hiệu quả. Trong đó hệ thống thông tin điều hành, quản lý GD&ĐT toàn ngành được hoàn thiện, kết nối thông suốt với tất cả các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đảm bảo cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, chính xác và kịp thời…
50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ quan quản lý giáo dục được vận hành chủ yếu dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó 90% hồ sơ công việc tại Sở, Phòng giáo dục được giao dịch và giải quyết trên môi trường số; 30% hồ sơ giấy được cắt giảm tại các cơ sở giáo dục.
Mục tiêu thứ 2: Đổi mới căn bản phương thức, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người học trong các cơ sở giáo dục.
100% thủ tục hành chính đủ điều kiện áp dụng hình thức trực tuyến được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tích hợp với dịch vụ công của tỉnh; Tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%. Tỷ lệ người học, phụ huynh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở giáo dục đạt trung bình 80%…
Mục tiêu 3: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học, nâng cao năng lực tự học của người học.
Về tiếp cận giáo dục trực tuyến: 50% học sinh, mỗi học sinh và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.
Về môi trường giáo dục trực tuyến: Hình thành kho học liệu trực tuyến cấp tỉnh và thuê nền tảng học trực tuyến phù hợp, đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông; các khóa học trực tuyến đáp ứng 30% nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Về quy mô hoạt động giáo dục trực tuyến: 80% trường phổ thông có triển khai dạy học trực tuyến. Tỉ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học.
Lấy chuyển đổi số làm công cụ cơ bản để thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng cá thể hóa quá trình dạy học, dạy học theo dự án, lớp học đảo ngược…
Mục tiêu 4: Đổi mới chương trình, nội dung, phương thức giáo dục nhằm đào tạo đội ngũ nhà giáo và người học trở thành công dân số; đưa nội dung giáo dục kỹ năng số, chuyển đổi số vào 100% trường phổ thông. 100% học sinh từ lớp 3 trở lên được học CNTT; khuyến khích trẻ mầm non, lớp 1, 2 được tiếp cận CNTT.
Mục tiêu 5: Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, thiết thực và hiệu quả. Đến năm 2025, 100% trường học có kết nối băng thông rộng cáp quang; 90% các điểm trường có kết nối Internet tốc độ cao.