Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, từ năm học 2022-2023, TP.HCM sẽ đẩy mạnh triển khai giảng dạy trí tuệ nhân tạo (AI) tại các trường trung học qua nhiều hình thức, từng bước phổ cập kiến thức về trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông.
Mở ra nhiều cơ hội cho học sinh
Bắt đầu từ năm học 2019-2020, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã triển khai đưa trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy đại trà cho học sinh cả 3 khối 10, 11, 12. Đây được xem là đơn vị phổ thông đầu tiên tại TP.HCM tiên phong đưa AI vào phổ cập cho học sinh.
Trước đó, từ năm 2017 nhà trường đã mạnh dạn tổ chức chuyên đề về trí tuệ nhân tạo cho học sinh có ý tưởng sáng tạo, nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học máy tính, lập trình, hệ thống nhún, robot…
Thầy Đỗ Anh Triết – Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ, để giảng dạy AI đại trà cho học sinh 3 khối, nhà trường đã xây dựng chương trình AI theo 5 cấp học. Cụ thể: Phổ cập AI; Toán và lập trình AI; Học máy cho AI; học sâu cho AI; Nghiên cứu sáng tạo.
Đại diện nhà trường khẳng định, từ khi đưa AI vào giảng dạy cho học sinh các dự án nghiên cứu khoa học của trường đều có sự xuất hiện của AI và nhận được đánh giá sâu của giới chuyên môn, đặc biệt là các đề tài đều có tính ứng dụng thực tế rất cao. Trên 80% học sinh hiểu nguyên lý hoạt động cơ bản và tầm quan trọng của AI trong thời đại số, chủ động tìm hiểu và xây dựng kiến thức lập trình, nghiên cứu AI.
Cạnh đó, với việc phổ cập AI cho học sinh 3 khối đã trang bị cho các em tư duy mở, có tinh thần phát minh đổi mới và khởi nghiệp, tinh thần chia sẻ và cộng tác, khai thác mã nguồn mở, tư duy luôn học hỏi. Điều này đóng vai trò quan trọng hình thành phương pháp nghiên cứu khoa học của học sinh, tự tin tìm kiếm và áp dụng các mô hình AI vào trong dự án. Hơn hết là từ việc phổ cập này nhiều em đã được tuyển thẳng vào các trường đại học trong và ngoài nước…
“Việc đưa AI vào phổ thông là hết sức cần thiết. Từ năm 2018, các dự án nghiên cứu khoa học của học sinh nhà trường đã tạo được tiếng vang về tính ứng dụng, đạt nhiều giải cao ở cấp quốc gia. Ví dụ như đề tài giải pháp theo dõi và cảnh báo sớm co giật. Nhiều dự án như số hóa cổ nhạc; găng tay chuyển ngữ; thiết bị điều khiển bằng mắt cho người bị liệt toàn thân…”, thầy Đỗ Anh Triết nêu ví dụ.
Mặc dù vậy, do là đơn vị tiên phong đưa AI phổ cập đến học sinh, đại diện Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết việc triển khai AI thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, như số lượng giáo viên có khả năng hướng dẫn AI có hạn; không có thông tin và hệ thống đào tạo AI tổng quát; nguồn khai thác thông tin có hạn; học sinh không nắm vững các khái niệm cũng như không có tầm nhìn tổng quát về những ứng dụng của các mô hình trí tuệ nhân tạo dẫn đến việc tốn thời gian cho các dự án, nhiều dự án xây xong lại phải bỏ vì không phù hợp. Ứng dụng của AI trong nghiên cứu khoa học chủ yếu xuất phát từ nhu cầu manh mún trong học sinh.
Tương tự, Trường THPT Hùng Vương (Q.5) cũng là đơn vị sớm đưa AI vào giảng dạy trong học sinh theo hình thức triển khai ở bộ môn tin học lớp 11 cùng các hoạt động ngoại khóa, nhằm tạo sân chơi cho học sinh nhà trường.
Thầy Phạm Văn Tú – đại diện Trường THPT Hùng Vương chia sẻ, hiện tại nhà trường xây dựng theo hình thức đưa AI vào giảng dạy với 8 tiết/tuần, trong đó bao gồm 4 tiết trên lớp và 4 tiết online. Sau khi học sinh hoàn thành chương trình cơ bản của tin học lớp 11, các em sẽ được tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo.
“Mục tiêu là giúp học sinh tìm hiểu, ứng dụng cơ bản AI vào trong học tập, phát triển phẩm chất năng lực, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề đặt ra…”, thầy Phạm Văn Tú thông tin.
Hướng tới phổ cập AI cho học sinh phổ thông
Trao đổi về việc đưa trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy trong trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết hiện nay Sở GD-ĐT đang phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung giảng dạy về trí tuệ nhân tạo cho các cấp học, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố, từng bước phổ cập kiến thức về trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông. Công tác này sẽ được triển khai từ năm học 2022-2023.
Để hiện thực hóa công tác này, lãnh đạo Sở GD-ĐT thông tin, hiện sở đang xây dựng kho học liệu mở đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo; cung cấp tư liệu phục vụ nhu cầu học tập cho các đối tượng tham gia bồi dưỡng trong chương trình.
Song song đó, tổ chức bồi dưỡng kiến thức về trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức; bồi dưỡng kiến thức cơ bản về trí tuệ nhân tạo cho các đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố; bồi dưỡng, nâng cao năng lực về nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT); bồi dưỡng về phân tích kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các startup.
Đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên tin học của thành phố đáp ứng yêu cầu giảng dạy nội dung về trí tuệ nhân tạo cho các cấp học, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố; Bổ sung phòng đa chức năng (Lab, STEM, dạy học, giao lưu, học tập trên internet…) cho các trường học thực hiện nội dung giảng dạy về trí tuệ nhân tạo.
“Từ năm học 2022-2023, ngành giáo dục sẽ triển khai trang thiết bị cần thiết cho việc đưa robot, mạch điều khiển, máy tính, tự động hóa ứng dụng, sân chơi khoa học công nghệ, câu lạc bộ cho các em học sinh các trường phổ thông thực hiện nội dung giảng dạy về AI. Triển khai mô hình thí điểm trường học thông minh, lớp học thông minh, trong đó mỗi quận huyện 1 đơn vị, với cấp THPT chọn 5 trường THPT thực hiện thí điểm. Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông ngành giáo dục trên nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dịch vụ giáo dục thông minh của thành phố, phát triển nền tảng IoT phục vụ dịch vụ giáo dục thông minh”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin.
Theo Báo Giáo dục TPHCM