Do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, các trường học buộc phải tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến (online). Có lẽ, đây không còn là sự lựa chọn mà là bắt buộc.
Năm học 2021 – 2022 đã bắt đầu, nhiều tỉnh/TP thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, điều này khiến các trường học chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn khó khăn, học sinh (HS), giáo viên (GV) thiếu phương tiện, thiết bị để học tập còn hạn chế.
Tạo cơ chế mở
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc dạy và học rất khó khăn đối với GV, HS. Để đảm bảo việc dạy học, HS và GV cần có những thiết bị cơ bản như đường truyền, máy tính hay điện thoại thông minh có khả năng kết nối mạng Internet, điều này là trở ngại lớn nhất trong việc học online đối với HS.
Thầy Trần Quốc Sắc – GV trường THPT Nguyễn Trường Tộ, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “GV tại trường luôn sẵn sàng cho công tác dạy học online, nhưng điều kiện còn rất hạn chế do nhiều yếu tố như thiếu tinh thần tự giác, điều kiện cơ sở vật chất của từng hộ gia đình không đều nhau, đường truyền không đồng bộ…..
Tại trường THPT Nguyễn Trường Tộ, khoảng 80% gia đình các HS có điều kiện để HS tiếp cận các phương tiện, tinh thần học tự giác của HS tuy cao nhưng nhiều HS không tự giác đã tạo lỗ hổng để khi quay trở lại học trực tiếp, lớp sẽ có sự phân hóa rõ rệt”.
Là một huyện khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, nhiều GV tại huyện M’Đrắk đã đưa ra các giải pháp để thầy, trò thích ứng dần với dạy học trực tuyến. Thứ nhất, cắt giảm chương trình, thay vì dạy 40 bài thì GV có thể dạy 30, những bài còn lại GV hướng dẫn và giao HS về nhà học. Thứ hai, Bộ GD&ĐT sẽ quy định khung thời gian năm học, để các trường chủ động, các HS lớp 12 sẽ hoàn thành trước một tháng diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn HS các khóa khác thì tùy vào mức độ dịch bệnh của mỗi địa phương.
Thầy Sắc cho biết thêm: “Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều động thái trong việc dạy học trực tuyến. Cụ thể, Sở đã cho phép các trường cơ chế mở, nghĩa là ký hợp đồng với Viettel để mua gói cước phần mềm có bản quyền nhằm đảm bảo đường truyền chất lượng; Công văn hướng dẫn GV các trường không có điều kiện học trực tuyến thì HS đến trường nhận tài liệu bản cứng về nhà tự nghiên cứu và liên hệ GV nếu chưa hiểu; Đảm bảo các quy định phòng dịch, tạo điều kiện cho HS tới trường, các phòng chuẩn bị sẵn tivi, có kết nối Internet…”.
Tất cả phải chủ động, linh hoạt
Nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Sở GD&ĐT Đắk Lắk ban hành công văn khẩn thông báo về việc dạy học sẽ tiến hành sau 15/9.
Trong trường hợp HS không chuẩn bị được phương tiện để học trực tuyến, thầy Sắc đề xuất, các trường có thể cho HS tới lớp học trực tuyến, ngồi giãn cách hoặc GV biên soạn bài giảng rồi gửi bản cứng tới HS. “Tôi thấy, quan trọng nhất vẫn là đường truyền và sự chủ động của GV. Sở GD&ĐT chủ động, trường chủ động, HS chủ động, GV chủ động thì sẽ thành công”, thầy Trần Quốc Sắc cho hay.
Hiện, bên cạnh các tỉnh/TP đã triển khai công tác dạy học trực tuyến thì vẫn còn nhiều nơi chưa áp dụng hình thức này vào dạy học. Thầy Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết, tỉnh chỉ có duy nhất huyện Phù Yên thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Để chuẩn bị cho việc dạy học trực tuyến tại huyện Phù Yên vào tuần tiếp theo, Sở GD&ĐT đã rà soát xong các HS thiếu trang thiết bị học tập; Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu các phương án để vận động quyên góp ủng hộ máy tính cũ cho HS và sẽ lưu vào thư viện,
Tuần tiếp theo, nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn căng thẳng, Sở sẽ gấp rút triển khai học trực tuyến và nghiên cứu, làm việc với viễn thông xây dựng các phần mềm, tập huấn cho GV. Theo thầy Chiến, hiện ở GD&ĐT Sơn La đã chuẩn bị các phương án dạy học và tùy vào tình hình để triển khai.
“Nhiệm vụ quan trọng là mỗi GV cần có trách nhiệm, phối hợp với nhà trường trong thay đổi chương trình, mục tiêu dạy học; Tăng năng lực cho GV bằng cách hỗ trợ các công cụ hiệu quả; GV duy trì tương tác với HS”, thầy Nguyễn Văn Chiến cho hay.
Áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục
Điều dễ nhận thấy, dạy học trực tuyến có nhiều hạn chế như GV, HS không thành thạo hoặc không có máy tính, điện thoại kết nối mạng; HS không có nhiều cơ hội học hỏi trao đổi thông tin với bạn bè; Phụ huynh HS không thể có mặt giám sát 24/24; Phái có đội ngũ GV hướng dẫn nếu muốn HS học tốt…
Liên quan đến việc dạy học trực tuyến, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Việc tiếp cận dạy học trực tuyến hiện nay rất chậm, nửa vời. Trong một hội nghị từ năm ngoái, ngành Giáo dục khẳng định phải thực hiện giáo dục trực tuyến. Như vậy, đáng ra phải chủ động, chuẩn bị kỹ hơn từ năm ngoái để khi triển khai sẽ không còn ngỡ ngàng, nhiều hạn chế.
Dường như, chúng ta đã quên và chỉ chăm chăm vào học trực tiếp. Vì vậy, đến lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát thì nhiều nơi kêu khó. Hơn nữa, để khắc phục nỗi lo dạy học trực tuyến được triển khai, rớt mạng, không có máy tính, cơ sở vật chất thiếu thốn, Bộ GD&ĐT cần quan tâm sát sao để có biện pháp khắc phục, nhất là vùng sâu vùng xa”.
“Giáo dục là phải đi trước, tôi nghĩ, hệ thống giáo dục Đại học làm được thì bậc phổ thông cũng làm được, đó là ứng dụng chuyển đổi số vào công tác dạy học” – GS Dong cho hay.
GS Phạm Tất Dong đưa ra đề xuất, nên giảm tiết học ở các khối lớp; Chú trọng bồi dưỡng GV; Nơi nào hạn chế phương tiện, thiết bị để học tập thì kêu gọi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp; Đặc biệt, học trực tuyến nhưng HS vẫn phải có sách để học.
Bước vào năm học mới, nhận thấy nhiều khó khăn trong việc dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn về việc dạy học và công tác kiểm tra đánh giá trực tuyến, xây dựng bài giảng dùng chung cho giáo viên (GV) nhưng có lẽ Bộ nên xây dựng thêm để hỗ trợ GV hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nguồn Báo Pháp Luật Plus