Dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn hầu hết hoạt động ở đa số các lĩnh vực đời sống xã hội. Dù vậy, đây cũng được xem là động lực giúp quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Việc chuyển đổi số như thế nào để đem lại lợi ích thiết thực; làm sao quản lý chất lượng dạy và học… là những vấn đề trọng tâm được chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nam Định Khóa XIX.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
Từ cuối tháng 10 đến nay, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định diễn biến phức tạp với số ca nhiễm trong cộng đồng lớn. Nhiều trường học đã phải cho học sinh dừng đến trường để bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Thúy Nhài về phương án cụ thể vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, vừa bảo đảm kế hoạch năm học 2021 – 2022, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Xuân Hùng cho biết: ngay từ đầu năm 2021, giáo dục đã là một trong 5 lĩnh vực được tỉnh ưu tiên đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm việc dạy và học diễn ra chủ động, linh hoạt. Sở đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với các “tình huống bất ngờ” của dịch bệnh, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy.
Hiện nay, hầu hết các trường ở các cấp học trong tỉnh đã được trang bị phòng máy tính, máy chiếu; nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học được áp dụng rộng rãi. Sở đã tổ chức hội thảo chọn nền tảng công nghệ để dạy học trực tuyến; tập huấn kỹ thuật, phương pháp dạy học trực tuyến cho cán bộ giáo viên; chỉ đạo các trường hướng dẫn học sinh học trực tuyến và hỗ trợ phụ huynh học sinh quản lý, đồng hành với con em khi học trực tuyến, nhất là với học sinh tiểu học; tổ chức cuộc thi bài giảng điện tử để giáo viên học hỏi lẫn nhau và làm nguồn tư liệu cho học sinh tham khảo. Sở đặc biệt quan tâm hỗ trợ học sinh thiếu phương tiện học tập, có giải pháp chuyển tài liệu, hướng dẫn học sinh.
Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp hiện nay, bên cạnh tổ chức xét nghiệm nhanh trước khi tựu trường; tiêm phòng vaccine cho đội ngũ cán bộ giáo viên; thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế và các quy định phòng chống dịch, Sở đã chỉ đạo các trường tổ chức đồng thời dạy học trực tiếp và trực tuyến. Học sinh vùng an toàn sẽ đến trường học trực tiếp. Học sinh vùng không an toàn sẽ ở nhà học trực tuyến. Đối với các trường học trực tiếp, Sở yêu cầu các trường thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh phòng dịch, tạo môi trường sạch sẽ, an toàn; tạm thời dừng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tập trung toàn trường. Đặc biệt, chuẩn bị mọi điều kiện để chủ động, sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến khi cần.
Bảo đảm chất lượng dạy học trực tuyến
Quá trình triển khai dạy học trực tuyến cho thấy hình thức học này đang là lựa chọn tối ưu với những ưu điểm nổi bật như: học sinh không phải di chuyển, có thể học tại nhà, bảo đảm an toàn, phòng dịch mà vẫn tiếp thu được kiến thức… Tuy nhiên, theo đại biểu HĐND tỉnh, ở một số lớp, đơn vị cũng đã bộc lộ không ít bất cập như: khả năng tương tác kém dẫn đến những giờ dạy học trực tuyến tẻ nhạt, chưa thu hút học sinh; chất lượng đường truyền internet, thiết bị công nghệ không đồng đều; một số thầy cô lớn tuổi, việc tiếp cận công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm còn hạn chế. Chưa kể, với các học sinh có tính tự giác không cao, không có sự giám sát của người lớn sẽ rất dễ bị phân tâm hoặc sa đà vào các trò chơi hay các nội dung vô bổ trên mạng xã hội. Trước thực tế này, đại biểu Lê Thị Thúy Nhài đặt câu hỏi về phương án tối ưu để quản lý giờ học trực tuyến của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Xuân Hùng khẳng định, khi triển khai dạy học trực tuyến, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu cụ thể đối với giờ dạy trực tuyến về: thời lượng, mức độ và khối lượng kiến thức; yêu cầu về tư thế, tác phong, ngôn ngữ của giáo viên và học sinh. Đơn cử, giáo viên diện không cách ly phải đến trường để dạy, trang phục như đi dạy trực tiếp; thầy, trò phải bật camera để tương tác; học sinh trang phục như đi học tại trường;… Đồng thời, yêu cầu hiệu trưởng các trường lập kế hoạch, thời khóa biểu chi tiết; bám sát và quản lý, đánh giá nghiêm túc các giờ dạy, duy trì việc duyệt giáo án của giáo viên trước khi dạy trực tuyến.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có đội ngũ phụ trách truy cập vào các giờ dạy để dự giờ, theo dõi, phỏng vấn học sinh để nắm bắt thực tế và có phương án xử lý kịp thời những khó khăn, bất cập. Trong tháng 11, Sở đã trực tiếp dự trên 100 giờ học của các cấp học. Để nâng cao hơn nữa chất lượng các giờ học trực tuyến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, bên cạnh nỗ lực của sở, các nhà trường, đội ngũ giáo viên, việc tăng cường mối liên hệ giữa phụ huynh và nhà trường, phụ huynh và học sinh, học sinh và giáo viên cũng là một biện pháp bảo đảm dạy và học trực tuyến hiệu quả cao nhất.
Theo Đại Biểu Nhân Dân