Đôi khi mọi người nghĩ dạy STEM cần phải có phương tiện cơ sở vật chất vì nó rất cầu kỳ. Tuy nhiên, có thể dạy STEM từ những phương tiện và nguyên vật liệu sẵn có, thậm chí vật liệu tái sử dụng từ rác thải.
Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm khoa Sư phạm, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội tại buổi chia sẻ trực tuyến về cách giảng dạy, áp dụng STEM hiệu quả tại trường và nhà cho học sinh tiểu học do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây (10/10).
Học STEM không cần tốn kém
Hiện nay vẫn còn nhiều người cho rằng STEM là môn học chỉ liên quan đến lắp ráp, công nghệ và toán học. Để học STEM rất tốn kém, cần nhiều trang thiết bị phức tạp.
ThS. Đinh Thu Hồng, giáo viên bang Georgia, Hoa Kỳ chia sẻ: “STEM kết hợp của các môn Toán (Math) với Khoa học tự nhiên (Science) cùng Công nghệ (Technology) kết hợp yếu tố Kỹ thuật (Engineering) thông qua hoạt động thực hiện dự án để giải quyết vấn đề thực tiễn. Chương trình STEM không đơn thuần chỉ về khoa học tự nhiên mà có cả sự kết hợp khoa học xã hội. Đó là xu hướng STEM +, là phương pháp giáo dục sớm STEM tích hợp (Art), dùng nghệ thuật làm đòn bẩy giúp các con nạp lượng kiến thức khổng lồ, tạo ra những kết nối mang tính nhân văn xã hội”.
Bên cạnh đó, mọi người cũng nên phân biệt rõ giữa thí nghiệm, thực hành và STEM. Thí nghiệm là hoạt động minh hoạ cho kiến thức đã học, thực hành là vận dụng kiến thức vào trong cuộc sống. Còn STEM là sự kết hợp cả lý thuyết, thực hành, thí nghiệm để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống dưới dạng dự án.
Theo ThS. Thu Hồng, 4 yếu tố nền tảng cốt lõi khi thực hành STEM trong tất cả các môi trường là quy trình giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và sự kết hợp tác, giao tiếp. Qua đó đưa đến những trải nghiệm hoạt động thú vị, xâu chuỗi nhiều môn học khi các em tham gia quá trình thiết kế, sáng tạo, phân tích, ứng dụng tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề.
Tại Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm khoa Sư phạm, ĐH Giáo dục: “Giảng dạy STEM bậc tiểu học hiện nay được nhiều nhà trường triển khai rất thành công. Đôi khi mọi người nghĩ dạy STEM cần phải có phương tiện cơ sở vật chất vì nó rất cầu kỳ. Tuy nhiên, thầy cô có thể dạy STEM từ những phương tiện và nguyên vật liệu sẵn có, thậm chí vật liệu tái sử dụng từ rác thải.
Trong chương trình phổ thông năm 2018, STEM thể hiện rõ trong xu hướng giáo dục tích hợp. Đặc biệt cấp tiểu học có thể ứng dụng dạy STEM ở môn Khoa học tự nhiên lớp 1,2,3 hay môn Lịch sử, Địa lý lớp 4, 5. Ý nghĩa tích hợp thể hiện rõ qua dạy STEM và nhấn mạnh về kỹ năng học tập cần có của học sinh”.
Dạy STEM đơn giản, hiệu quả ngay tại nhà
Các chuyên gia cũng gợi ý, hướng dẫn bố mẹ thực hiện các dự án ứng dụng STEM rất đơn giản ngay tại nhà với con từ bậc tiểu học. Để hình dung rõ hơn và xây dựng dự án STEM cho con, các bố mẹ nên tìm hiểu chương trình học của con về môn khoa học tự nhiên – xã hội, môn toán và các nguồn tài liệu hướng dẫn
Việc dạy STEM tại nhà sẽ linh động hơn, bố mẹ có thể chia theo không gian trong gia đình như phòng khách, phòng bếp,… cho bé thực hiện các dự án. Bản thân các thành viên trong gia đình đều có thể trở thành nhóm nhỏ trải nghiệm hoạt động STEM cùng con. Đây cũng là cách để thành viên trong gia đình tăng sự kết nối, thấu hiểu nhau hơn. Bên cạnh giúp các con tiếp thu tốt kiến thức tổng hợp, thông qua việc đặt câu hỏi, tìm câu trả lời và tìm cách giải quyết vấn đề.
ThS. Hồng đưa dẫn chứng: “Bố mẹ có thể cho con thực hiện mô hình làm tên lửa giấy. Trong dự án STEM này hội tụ đầy đủ yếu tố : Science – Khoa học (về lực, chuyển động của tên lửa); Technology – Công nghệ (video phóng tên lửa); Engineering (cắt, dán, gấp như thế nào); Art – Mỹ thuật (tô màu); Math – Toán (đo lường, hình khối). Qua đó bé hình dung được để hình thành một sản phẩm cần có sự liên hệ kiến thức ở những lĩnh vực nào, ứng dụng ra sao. Hay trong lúc nấu ăn bố mẹ cho bé trộn Salad, tìm hiểu về hợp chất hỗn hợp, thành phần,…”.
Với rất ít chi phí, hoạt động STEM sẽ giúp các bé học hỏi thêm khả năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tăng sự tự tin. Qua các dự án STEM giúp các con tiếp cận khái niệm khoa học trở nên đơn giản, gần gũi hơn. Cô Hồng cũng nhấn mạnh, sản phẩm cuối cùng của dự án STEM không nhất thiết phải là mô hình, đó có thể là một bản trình bày kế hoạch hay áp phích (poster) về sơ đồ thực hiện.
Trong khi đó, TS. Bùi Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục gợi ý: “Xuất phát từ những tình huống cụ thể trong cuộc sống, giáo viên có thể liên hệ với bài học hướng dẫn các em thực hiện dự án STEM. Ví dụ như chủ đề phòng tránh đuối nước là một kỹ năng rất cần thiết đối với các em học sinh. Một giải pháp giúp các em tự bảo vệ mình là chế tạo phao cứu sinh bằng các vật liệu sẵn có như chai nhựa, túi nilon,… Sau đó các em phải tự tính toán, thiết kế làm sao để sử dụng những vật liệu đó thành đồ cứu hộ, tiến hành chế tạo và thử nghiệm. Khi có thành phẩm học sinh sẽ vận dụng kiến thức để thuyết trình về cấu tạo, tính ứng dụng mô hình. Thầy cô sẽ đánh giá, nhận xét và đưa ra góp ý cho các em”.
Nguồn Báo VietNamNet