Ngành Giáo dục sẽ có thêm gần 66.000 biên chế giáo viên. Đây là quyết định vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Chính xác là 65.980 biên chế giáo viên sẽ được bổ sung cho các địa phương từ nay đến năm 2026. Đáp ứng được 2/3 số giáo viên đang thiếu hiện nay.
Các môn học thiếu nhiều nhất là: Tin học, Ngoại ngữ ở cấp tiểu học; tích hợp ở cấp THCS; Mỹ thuật, Âm nhạc ở cấp THPT.
Hiện 10 địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất là Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc.
Ngoài ra còn có 686 biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương; 205.571 cán bộ, công chức cấp xã; 1.358 biên chế công đoàn tạm giao các địa phương.
Cụ thể, khối Quốc hội được giao 1.061 biên chế gồm: 787 cán bộ, công chức; 274 viên chức.
Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội ở trung ương được giao 6.285 biên chế gồm 3.335 cán bộ, công chức; 2.950 viên chức.
Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương được giao 64.266 biên chế, trong đó biên chế công đoàn là 1.358, còn cán bộ, công chức có 55.949 biên chế, viên chức có 6.959 biên chế.
Chính quyền địa phương được giao 1.908.882 biên chế gồm 140.826 cán bộ, công chức; 1.562.485 viên chức.
Khối Chính phủ có 210.830 biên chế gồm 102.614 cán bộ, công chức; 107.530 viên chức.
Tòa án nhân dân tối cao có 15.237 biên chế; Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 15.860 biên chế; Kiểm toán Nhà nước có 2.109 biên chế; Văn phòng Chủ tịch nước có 90 biên chế.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng quyết định số biên chế dự phòng cho giai đoạn này là 10.100 biên chế gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức.