5 nguyên tắc giúp tạo đột phá khi ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả dạy học

Theo TS. Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc học thuật trường phổ thông liên cấp Olympia, việc công nghệ bước vào đời sống giảng dạy, học đường là xu hướng tất yếu.

Trước khi Covid-19 xuất hiện, các giải pháp công nghệ giáo dục đã được dự đoán tăng 20 lần từ năm 2019 đến 2025. Điều đó có nghĩa là dù không có Covid-19 thì việc dùng công nghệ làm đòn bảy hỗ trợ giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp học sinh vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận các bài giảng của thầy cô ở nhiều nơi trong đất nước và trên thế giới, giúp học sinh vươn tầm ra kết nối với bạn bè quốc tế… là xu hướng của thời cuộc.

Phòng học thông minh Trường Đại học Quy Nhơn

Tuy nhiên thực tế vừa qua phần lớn hệ thống trường học trên thế giới vẫn bị đánh giá là chậm trong chuyển đổi số và gặp khó khăn nhất định khi thích ứng với đại dịch Covid-19.

“Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh rằng chúng ta cần chuẩn bị rất nhiều thứ từ tâm thế, năng lực giảng dạy, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học… để sẵn sàng cho những thay đổi” – TS. Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.

TS. Nguyễn Chí Hiếu – Giám đốc học thuật trường phổ thông liên cấp Olympia.

Dẫn nghiên cứu của các công ty công nghệ và định hướng phát triển của ngành giáo dục Việt Nam, Giám đốc học thuật trường phổ thông liên cấp Olympia cho biết, sau Covid-19 dù học sinh đi học trực tiếp thì các nhà trường vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng công nghệ để hỗ trợ dạy-học trực tiếp và nâng cao hiệu quả giáo dục. Vì thế, việc trau dồi, tăng cường kỹ năng công nghệ của giáo viên là cần thiết.

5 nguyên tắc được TS Hiếu nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc tạo đột phá khi ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả dạy học, đó là: “yêu vấn đề muốn giải quyết trước”; “đặt mục tiêu lớn hơn nhiều lần”; “ưu tiên giải quyết vấn đề lớn nhất”; “đề cao tinh thần đội nhóm”; “kiên định và can đảm theo đuổi mục tiêu”.

Theo đó, công nghệ chỉ là một giải pháp và để thực hiện hiệu quả giải pháp đó nhằm mang lại lợi ích đột phá cho giáo dục, thì phải xuất phát từ tình yêu nghề và mong muốn của giáo viên trong việc giải quyết tốt nhất các vấn đề thực tiễn của ngành nghề mình theo đuổi. Đặc biệt, “đột phá” tức là cái mới, mà bất cứ cái mới nào cũng có người thích và không thích; có những cản trở, khó khăn trong hành trình thực hiện. Do đó, nếu không đủ can đản và kiên định thì làn sóng của cái cũ sẽ kìm bước chân ta.

“Giáo dục đang cần cuộc cách mạng từ gốc rễ và cuộc cách mạng này đến từ chính các nhà giáo. Chỉ cần mỗi thầy cô làm cách mạng với chính mình để bản thân tốt hơn; biết lựa chọn có chủ đích những cái mới để thử nghiệm và đúc kết giá trị…, thì dù chưa thay đổi được cả hệ thống, hay một trường học, tổ bộ môn thì ít nhất chúng ta cũng thay đổi được những trải nghiệm của các học sinh trong lớp mình phụ trách”. TS. Nguyễn Chí Hiếu cho hay.

Theo dõi
Thông báo về
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
HotlineChat zalo
/*Giá biến thể woo*/