Nếu bạn có đam mê và có định hướng theo học các ngành liên quan đến ngoại ngữ, chắc hẳn hẳn không hề xa lại với combo 4 trường là: Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Chất lượng đào tạo của 4 trường này khỏi phải bàn cãi rồi, nó đã được chứng minh rất rõ bằng điểm chuẩn đầu vào và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường luôn cao “ngất ngương”.
Tuy cùng đào tạo tốt về ngành ngôn ngữ, nhưng mỗi trường nêu trên lại có một thế mạnh riêng biệt. Muốn biết thế mạnh đó là gì thì hãy khám phá ngay!
Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia Hà Nội
Đầu tiên trong danh sách những ngôi trường đào tạo ngoại ngữ “chất” nhất miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung phải kể đến Đại học Ngoại ngữ (ULIS) – Đại học quốc gia Hà Nội. Việc trở thành sinh viên của ULIS là ước mơ của rất nhiều học sinh. Thành lập vào năm 1955, đến nay trường đã có tuổi đời gần 70 năm chứng kiến biết bao thế hệ sinh viên trưởng thành từ mái trường này.
Một trong những đặc quyền của sinh viên ULIS chính là trường cho phép sinh viên học bằng 2 trong hệ thống các trường thành viên của Đại học quốc gia Hà Nội như: Đại học Kinh tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn… Tại đây, bạn hoàn toàn có thể học thêm bằng kép các chuyên ngành liên quan đến du lịch, kinh tế, ngân hàng… Vừa giỏi ngoại ngữ, vừa giỏi thêm chuyên môn đính kèm, đây chắc chắn là lợi thế trong quá trình đi tìm kiếm việc làm của các ULIS-er rồi!
Không chỉ vậy, tỷ lệ sinh viên ULIS ra trường có việc làm mới khiến người ta phải trầm trồ. Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ ra sinh viên có việc làm dao động từ 94,74% – 100% tùy từng ngành đào tạo.
Đại học Hà Nội
“Kỳ phùng địch thủ” với ULIS phải kể đến Đại học Hà Nội. Được thành lập năm 1959, cùng với Đại học Ngoại ngữ, đây chính là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu của cả nước trong đào tạo, nghiên cứu về ngoại ngữ và chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Không chỉ có thế mạnh về tiếng Anh, trường còn tham gia đào tạo cả các ngoại ngữ khác như: Hàn, Trung, Nhật, Nga, Pháp, Đức, Italia…
Ngoài ra, trường Đại học Hà Nội đã kí kết hợp tác đào tạo với trên 30 trường đại học nước ngoài, có quan hệ đối thoại với 60 tổ chức, cơ sở giáo dục quốc tế, có quan hệ trực tiếp hầu hết với các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài giờ học, sinh viên trường được tham gia các hoạt động, CLB như: Hanu Job, Guitar, Tiếng Anh VOH, P-club, Hiến máu nhân đạo…
Với chuyên ngành vững vàng, ngoại ngữ thuần thục và khả năng hội nhập, phẩm chất chung của sinh viên HANU là tự tin, năng động. Còn về tỷ lệ sinh viên Đại học Hà Nội ra trường có việc làm khá cao, dao động từ 86 – 100% tùy từng ngành.
Đại học Ngoại Thương Hà Nội
Trường Đại học ngoại thương được thành lập năm 1960, là một trường kinh tế chuyên đào tạo về kinh tế và thương mại quốc tế của Việt Nam. Dẫu là một ngôi trường chuyên sâu về kinh tế nhưng đây vẫn được coi là nơi đào tạo ngoại ngữ cực chất lượng.
Trường đào tạo rất nhiều chuyên ngành ngoại ngữ nhưng thiên về kinh tế và thương mại. Trong đó, chuyên ngành ngôn ngữ thương mại tập trung vào việc phát triển năng lực, các kỹ năng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp trong kinh doanh, thương mại, đồng thời trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên ngành về kinh tế, thương mại. Được đào tạo chuyên sâu như vậy nên thao khảo sát được công bố vào năm 2019, tỷ lệ sinh viên Ngoại Thương ra trường có việc làm là 98% – một con số vô cùng ấn tượng!
Học viện Ngoại giao
Với phương châm năng động, sáng tạo, tầm nhìn, Học viện Ngoại giao là 1 môi trường lý tưởng để các bạn bộc lộ tài năng. Đặc biệt, Học viện liên tục được đón tiếp các vị đại biểu đại sứ quán các nước cũng như đại biểu cấp cao các nước đến thăm. Trường đào tạo ngoại ngữ (Anh, Pháp, Trung) ngay từ năm đầu và ngoại ngữ chuyên ngành cho tất cả các khoa.
Trong tất cả các ngôn ngữ được đào tạo tại trường, có lẽ tiếng Anh là nổi tiếng nhất. Nó là nối “khiếp sợ” của biết bao thế hệ DAVer bởi tiếng Anh tại đây là một đẳng cấp khác so với tiếng Anh thông thường. Sau khi tốt nghiệp tại trường, các bạn sẽ thành thục các kỹ năng ngoại ngữ như: nghe, đọc, tổng hợp, phân tích, viết báo cáo, bình luận về các tin tức, sự kiện, công trình nghiên cứu về các vấn đề trong quan hệ quốc tế, có khả năng làm phiên dịch (ở trình độ trung cấp đến cao cấp) cho các cuộc tiếp xúc, hội thảo của cơ quan hoặc biên dịch các tài liệu về các vấn đề liên quan đến chính trị quốc tế, kinh tế quốc tế, truyền thông quốc tế và luật pháp quốc tế…